Khởi nghĩa chống Tần Hán_Cao_Tổ

Chém rắn dấy binh

Lưu Bang được huyện lệnh huyện Bái giao trọng trách đưa một số người bị kết án và dân phu đi tới núi Ly Sơn để xây dựng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Vốn sợ nặng nhọc, đi đến nửa đường, bọn dân phu trốn quá nửa, đêm đến nghỉ tại trạm Chãm Phong Tây, Lưu Bang thương tình cho trốn, với hơn mười tráng sĩ đều nguyện đi theo giúp sức. Trong truyền thuyết, họ gặp phải một con mãng xà đã giết chết một số người bằng hơi thở độc hại của nó. Lưu Bang bèn giết mãng xà và sau đó gặp phải một bà già khóc lóc trên đường vào sáng hôm sau. Khi người của Lưu Bang hỏi tại sao lại khóc, bà trả lời: "Con tôi, con trai của Bạch đế, bị giết chết bởi con trai của Xích đế" và biến mất một cách bí ẩn. Nghe được câu chuyện lạ lùng này, người của Lưu Bang tin rằng ông có chân mệnh đế vương. Sự kiện này do đó được gọi là Trảm xà khởi nghĩa (斬白蛇起義).

Thu phục huyện Bái

Lưu Bang và những người theo ông lẩn trốn trên núi Mang gần đất Bái và sống ngoài vòng pháp luật. Ông tuy vậy vẫn duy trì việc bí mật liên lạc với bạn bè cũ của mình ở quê nhà, chẳng hạn như Tiêu HàTào Tham. Tháng 7 năm 209 TCN, Trần ThắngNgô Quảng khởi nghĩa, khắp Sơn Đông, Hà Bắc các nơi đều hưởng ứng. Quan lại địa phương của nhà Tần không chế ngự được.

Quan huyện Bái thấy khắp nơi, anh hùng đứng lên khởi nghĩa nên cũng muốn khởi quân tham gia, bèn theo lời khuyên của Tiêu Hà, Tào Tham, cho Phàn Khoái (một họ hàng của Lưu Bang) mời Lưu Bang về để tăng thanh thế. Lưu Bang cùng người của mình đến nơi, quan huyện lại đổi ý, đóng cửa thành, lại muốn giết cả Tiêu, Tào vì sợ những người này làm nội ứng. Tiêu, Tào trốn theo Lưu Bang, bàn kế cho Lưu Bang bắn thư vào thành thuyết phục các bậc trưởng lão để họ cho con em đuổi quan huyện để đón mình. Kế thành công. Lưu Bang được tôn làm Bái Công (沛公) lãnh đạo con em huyện Bái tham gia khởi nghĩa.

Tiêu Hà, Tào Tham cùng Phàn Khoái sau đó đều tập hợp hai ba nghìn con em đất Bái theo Lưu Bang. Ông đánh quận Hồ Lăng và quận Phương Dư rồi về giữ đất Phong.

Tìm nơi nương tựa

Năm 208 TCN, Giám quận Tứ Xuyên của nhà Tần tên là Bình đem quân vây đất Phong. Lưu Bang xông ra đánh, thắng trận. Lưu Bang sai Ung Xỉ giữ đất Phong, còn mình đem binh đến đất Tiết, đánh thái thú ở Tứ Xuyên của nhà Tần tên là Tráng. Tráng bị đánh bại bỏ chạy đến huyện Thích, bị Tả tư mã của Lưu Bang bắt được và giết chết.

Lưu Bang quay về đóng quân ở Cang Phụ và đi đến quận Phương Dư. Cùng lúc đó tướng nước Ngụy là Chu Thị cũng đến đánh Phương Dư, nhưng chưa đánh trận nào. Chu Thị bèn sai người dụ Ung Xỉ đang giữ đất Phong. Ung Xỉ thuận hàng theo Ngụy.

Lưu Bang bị mất đất Phong rất tức giận nhưng sức không đủ chiếm lại. Lúc đó ông nghe tin nói Ninh Quân và Tần Gia đã lập Cảnh Câu làm Sở Giả vương ở thành Lưu để thay thế Trần Thắng bị hại, bèn đến theo họ, ý muốn xin quân để đánh đất Phong. Ninh Quân cùng Lưu Bang đem quân về phía tây đánh huyện Tiêu nhưng bất lợi, hai người đem quân trở về, tập hợp quân ở đất Lưu rồi đem binh đánh chiếm được đất Đường, thu binh được hơn 5000 người. Sau đó, ông đánh lấy được Hạ Ấp rồi cùng Ninh Quân đem quân về đóng gần đất Phong.

Ít lâu sau, Hạng Lương khởi binh ở đất Ngô, vượt sông Trường Giang, đánh diệt Tần Gia. Lưu Bang nghe tin Hạng Lương đóng quân ở thành Tiết, nên đem một trăm quân kỵ yết kiến. Hạng Lương cho Lưu Bang 5000 quân, 10 ngũ đại phu làm tướng.

Hạng Lương lập Mễ Tâm làm Sở Hoài vương để có danh nghĩa chống Tần rồi chia quân làm 2 cánh: tự mình đi đánh Chương Hàm, đồng thời sai Hạng Vũ đi cùng Lưu Bang đánh Thành Dương. Lưu Bang và Hạng Vũ làm cỏ dân Thành Dương[15] rồi đóng quân ở phía đông Bộc Dương, đánh bại quân Tần một trận nữa.

Quân Tần lại tập hợp lại, ở thành giữ Bộc Dương, dựa vào sông ngòi vây bọc để cố thủ. Lưu Bang và Hạng Vũ không hạ được bèn bỏ đi, đánh Định Đào nhưng không hạ được thành, lại đem quân về phía tây cướp đất. Hai tướng đi đến chân thành Ung Khâu, đánh nhau với quân Tần, chém được Thái thú quận Tam Xuyên của nhà Tần là Lý Do (con Tả thừa tướng Lý Tư) rồi quay về đánh Ngoại Hoàng nhưng không lấy được, lại đi đánh Trần Lưu.

Nhận lời giao ước

Hạng Lương coi thường quân Tần, bị Chương Hàm đánh bại và giết chết ở Định Đào. Lưu Bang và Hạng Vũ đang đánh thành Trần Lưu, nghe tin Hạng Lương chết, bèn đem binh phối hợp với quân của Lã Thần (tướng cũ của Trần Thắng) tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng: Lã Thần đóng quân ở phía đông Bành Thành; Hạng Vũ đóng quân ở phía tây Bành Thành; Lưu Bang đóng quân ở Đường.

Năm 207 TCN, Sở Hoài vương thấy Hạng Lương bị giết, bèn dời khỏi Vu Thai đóng đô ở Bành Thành, đích thân cầm quân của Lã Thần và Hạng Vũ, phong Lưu Bang làm quận trưởng quận Đường, tước Vũ An Hầu (武安侯).

Bàn việc đánh Tần, Sở Hoài vương giao ước với chư hầu: "Ai vào Quan Trung trước làm vương") tức Quan Trung vương, nghe lời các lão tướng. Hoài vương giao cho Lưu Bang mang quân thẳng đường phía tây đánh vào kinh đô nước Tần vì ông được cho là người trung hậu, còn Hạng Vũ thì tàn bạo hay giết chóc nên Hoài vương sai đi lên phía bắc cứu nước Triệu đang bị Chương Hàm vây đánh.

Tây tiến vào Hàm Dương

Lưu Bang đem quân đi về hướng tây gặp Bành Việt ở Xương Ấp, cùng nhau tấn công thành này nhưng không hạ được. Ông bèn chia tay Bành Việt quay về đến đất Lật, gặp Cương Vũ Hầu, cướp quân của Cương Vũ Hầu được hơn 4000 người gộp vào quân mình, rồi cùng tướng nước Ngụy là Hoàng Hân, và Thân Đồ Vũ Bồ hợp lực đánh Xương Ấp nhưng chưa lấy được.

Lưu Bang bèn đem quân đi về hướng tây đến đất Cao Dương thì Nho sĩ Lịch Tự Cơ đến yết kiến. Tự Cơ khuyên Lưu Bang đánh úp thành Trần Lưu, nhờ vậy lấy được thóc lúa của nhà Tần để lại. Lưu Bang cho Lịch Tự Cơ làm Quảng Dã Quân, cho em Tự Cơ là Lịch Thương làm tướng, chỉ huy quân ở Trần Lưu và cùng họ đánh Khai Phong nhưng chưa lấy được Khai Phong.

Lưu Bang lại mang quân sang phía tây đánh nhau với tướng Tần là Dương Hùng ở Bạch Mã, lại đánh ở phía đông Khúc Ngộ, phá tàn quân của Dương Hùng, Dương Hùng bỏ chạy đến Huỳnh Dương. Tần Nhị Thế sai sứ giả chém Dương Hùng để răn mọi người. Lưu Bang mang quân về phía nam đánh Dĩnh Dương, làm cỏ dân Dĩnh Dương[15].

Nghe theo kế của Trương Lương, ông tiến quân chiếm đất Hàn và đất Hoàn Viên. Cùng lúc đó tướng nước Triệu là Tư Mã Ngang đang muốn vượt sông Hoàng Hà để vào Quan Trung trước các chư hầu. Lưu Bang liền đánh Bình Âm ở phía Bắc, cắt đứt bên sông phía nam sông Hoàng Hà, chặn đường Tư Mã Ngang.

Sau đó ông quay sang đánh một trận ở phía đông Lạc Dương nhưng không thắng bèn rút lui về đến Dương Thành, tập hợp quân kỵ và ngựa ở trong quân, đánh nhau với thái thú Nam Dương là Nghị ở phía đông, đốt phá đánh bại quân của Nghị, cướp quận Nam Dương. Nghị bỏ chạy về giữ lấy Uyển Thành. Lưu Bang nóng lòng muốn bỏ qua đất này và đi về hướng tây vào Hàm Dương, nhưng Trương Lương cảnh báo ông sẽ bị Nghị đánh úp sau lưng. Vì vậy Lưu Bang dừng lại đánh Uyển Thành. Ông nhân lúc đêm tối đem quân đi một con đường khác, thay đổi tất cả cờ xí, lúc tảng sáng vây Uyển Thành ba vòng.

Thái thú Nam Dương là Nghị sợ hãi muốn đâm cổ chết, nhưng nghe lời môn hạ là Trần Khôi khuyên, bèn đầu hàng. Lưu Bang phong cho Nghị làm Ân Hầu, phong cho Trần Khôi 1000 hộ.

Lưu Bang đem quân về đến sông Đan Thủy, Cao Vũ Hầu là Ngư, Tương Hầu là Vương Lăng đầu hàng nộp đất Tây Lăng. Lưu Bang quay lại đánh Hồ Dương, gặp biệt tướng của Bà quân Ngô Nhuế là Mai Quyên, bèn cùng Mai Quyên chiêu hàng đất Tích và đất Lịch.

Lưu Bang sai người nước Ngụy là Ninh Xương đi sứ đến Tần. Sứ giả chưa đến thì tướng Tần là Chương Hàm đã đem quân đầu hàng Hạng Vũ ở đất Triệu; các chư hầu đều theo Hạng Vũ.

Cuối năm 207 TCN, hoạn quan Triệu Cao giết Tần Nhị Thế và cho người đến gặp Lưu Bang, muốn giao ước chia đất Quan Trung và làm vương. Lưu Bang cho rằng Triệu Cao muốn đánh lừa, bèn dùng kế của Trương Lương, sai Lịch Tự Cơ và Lục Giả đến thuyết phục tướng của Tần, lấy lợi nhử y và nhân đó đánh và phá được Vũ Quan. Lưu Bang lại đánh nhau với quân Tần ở phía nam Lam Điền, càng treo thêm cờ xí để làm nghi binh, đi đến đâu thì cấm không được cướp bóc bắt bớ. Người Tần do đó mừng rỡ, quân đội Tần tan rã, Lưu Bang nhân đó thắng được quân Tần. Ông tiến quân lên phía bắc thắng quân Tần một trận nữa.

Tháng 10 năm 206 TCN, quân của Lưu Bang đến Bá Thượng trước quân chư hầu. Vua Tần là Tử Anh đi xe mộc do ngựa trắng kéo, ở cổ quấn sợi dây ấn, niêm phong ấn hoàng đế, phù và cờ tiết đầu hàng ở gần Chỉ Đạo. Lưu Bang cho Tử Anh đầu hàng. Các tướng có người bàn nên giết vua Tần, nhưng Lưu Bang không nghe theo, ông nói:

Trước kia Hoài Vương sai ta đi chính vì ta biết khoan dung rộng lượng. Vả chăng, người ta đã đầu hàng rồi nay lại giết đi là điềm không tốt.

Lui bước trước Hạng Vũ

Lưu Bang đi về phía tây vào Hàm Dương muốn dừng lại ở trong cung thất nhà Tần nghỉ ngơi. Phàn Khoái và Trương Lương can không nên, Lưu Bang mới niêm phong kho tàng, của quý báu của Tần rồi trở về đóng quân ở Bá Thượng, triệu tập các vị phụ lão và những thân hào ở các huyện đến và tuyên bố:

Các vị phụ lão mấy lâu nay đã từng khổ sở vì pháp luật khe khắt của Tần, ai phỉ báng thì bị giết cả họ, ai hại người nói chuyện về Kinh Thi, Kinh Thư thì bị chém giữa chợ. Ta cùng chư hầu giao ước: “Ai vào Quan Trung trước thì người ấy được làm vua”. Vậy ta phải làm vua ở Quan Trung; Ta cam kết với các phụ lão rút gọn pháp luật vào ba điều mà thôi: Ai giết người thì phải chết, làm người bị thương và ăn trộm thì theo tội mà xử. Còn bỏ tất cả luật pháp của Tần. Quan lại và nhân dân vẫn bình an như xưa. Ta đến đây chẳng qua là vì các vị phụ lão trừ hại chứ không phải cốt xâm phạm, làm việc hung bạo. Không có gì phải sợ. Vả lại ta sở dĩ quay về đòng quân ở Bá Thượng là đế đợi quân của chư hầu đến để định điều giao ước mà thôi.

Lưu Bang sai người cùng quan lại nhà Tần đi các huyện, các làng, các ấp tuyên truyền lệnh đó. Người Tần rất mừng, tranh nhau mang bò, dê, rượu, thức ăn đến để khao quân sĩ, nhưng Lưu Bang đều từ chối không nhận.

Có người hiến kế Lưu Bang nên giữ lấy đất Tần hiểm trở giàu có để chống lại chư hầu, án ngữ cửa Hàm Cốc không cho quân chư hầu vào, và trưng thêm quân ở Quan Trung cho thêm đông để chống lại. Lưu Bang cho là phải và theo kế đó.

Giữa tháng 11 năm 206 TCN, Hạng Vũ thống lĩnh quân chư hầu tiến vào nước Tần, tới cửa ải Hàm Cốc, nhưng ải đã bị phong tỏa. Hạng Vũ lại nghe nói Lưu Bang đã bình định được Quan Trung, rất tức giận, sai Anh Bố tấn công phá cửa Hàm Cốc.

Giữa tháng 12, Hạng Vũ đến đất Hỉ, tả tư mã của Lưu Bang là Tào Vô Thương muốn theo Hạng Vũ tiến thân bèn nói với Hạng Vũ rằng Lưu Bang có ý định chiếm cả Quan Trung. Mưu sĩ Phạm Tăng cũng khuyên Hạng Vũ đánh Lưu Bang. Hạng Vũ ra lệnh cho quân sĩ ăn no, định sáng mai thì đánh. Lúc bấy giờ quân Hạng Vũ có 40 vạn người, còn Lưu Bang chỉ có 10 vạn.

Chú Hạng Vũ là Hạng Bá muốn cứu bạn là Trương Lương đang phục vụ cho Lưu Bang nên đang đêm đến gặp Trương Lương, khiến ý định của Hạng Vũ bị lộ. Trương Lương dắt luôn Hạng Bá vào gặp Lưu Bang. Ông bèn kết thân với Hạng Bá, hẹn nhau làm thông gia và nhờ nói giúp với Hạng Vũ rằng mình không có ý định chống lại. Hạng Bá trở về khuyên Hạng Vũ, vì vậy Hạng Vũ thôi không khai chiến với Lưu Bang.

Hôm sau, Lưu Bang đến Hồng Môn yết kiến và xin lỗi Hạng Vũ. Hạng Vũ cho ông biết là do Tào Vô Thương đề nghị nên Hạng Vũ mới chuẩn bị giao chiến. Họ Hạng còn giữ Lưu Bang ở lại uống rượu. Quân sư của Hạng Vũ là Phạm Tăng nhìn Hạng Vũ, ba lần đưa cái vòng ngọc quyết ra hiệu, ý muốn Vũ giết Lưu Bang. Nhưng Hạng Vũ không manh động. Phạm Tăng ra ngoài gọi Hạng Trang đến, dặn Trang vào chúc thọ rồi xin mua kiếm, để tiện tay đâm chết Lưu Bang ở chỗ ngồi. Hạng Trang nghe theo, vào tiệc chúc thọ rồi đứng dậy múa kiếm. Hạng Bá cũng đứng lên, vừa múa kiếm vừa lấy thân che cho Lưu Bang. Hạng Trang không đâm được. Trương Lương thấy nguy cấp bèn ra ngoài tìm Phàn Khoái, kể rằng Hạng Trang đang chực giết Bái công. Phàn Khoái mang kiếm, cắp khiên vào tiệc, quở trách Hạng Vũ:

"Bái công khó nhọc mà công to như vậy, nhưng vẫn chưa được phong thưởng gì! Nay đại vương nghe lời bọn tiểu nhân, muốn giết kẻ có công, tức là noi theo đường lối nhà Tần đã mất!"

Nhờ có Phàn Khoái và Trương Lương nên Lưu Bang thoát nạn về. Về tới Bá Thượng, Lưu Bang bèn giết Tào Vô Thương.